ĐI MYANMAR

Đăng ký online để nhận visa

Đăng kí

ĐI MYANMAR

Đăng ký online để nhận visa

Đăng kí

Giới thiệu đất nước Myanmar hiện nay

Myanmar là quốc gia có diện tích lớn nhất ở Đông Nam Á và có vị trí chiến lược giữa các tuyến đường vận tải của Ấn Độ Dương. Tên chính thức là “Cộng hòa Liên bang Myanmar”, tên trước đó là Miến Điện.

  • Diện tích đất: 653.407 km2. Tổng diện tích là 676.578km2.
  • Dân số: hơn 55,79 triệu người (theo dữ liệu của Liên hiệp quốc tháng 10/2023).
  • Ngôn ngữ: Tiếng Myanmar.
  • Đồng tiền: Kyat Myanmar.
  • Ngày quốc khách: 4/1/1948.
  • Thủ đô: Naypyidaw. Được chia thành 7 vùng hành chính và 7 bang.
  • Thành phố lớn nhất Myanmar: Yangon.

Myanmar giáp biên giới với 5 quốc gia

Myanmar là hàng xóm của 5 quốc gia đó là Bangladesh, Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Trung Quốc. Có 2 mặt giáp biển là Biển Andaman và Vịnh Bengal.

  • Phía Tây Mayanmar giáp với Bangladesh và Ấn Độ.
  • Phía Đông Bắc giáp với Trung Quốc (Tây Tạng và Vân Nam).
  • Phía Đông Nam giáp với Lào và Thái Lan.
  • Đặc biệt phía Tây Nam và phía Nam là Vịnh Bengal và biển Andaman.
bản đồ nước myanmar

Thủ đô

Yangon hay Rangoon là thành phố lớn nhất Myanmar hiện nay. Trước đây Yangon được biết đến là thủ đô của đất nước này từ năm 1948 – 2006.

Vào năm 2006 đến nay, Chính phủ Myanmar tuyên bố “Naypyidaw – nơi ở của nhà vua” là thủ đô mới của quốc gia này.

  • Địa điểm của thành phố Yangon: nằm trên vịnh Martaban, Andaman.
  • Vị trí của thủ đô Naypyidaw: cách phía bắc của Yangon 320 km, diện tích 7054 km2, mang khí hậu nhiệt đới ẩm và khô.

Lịch sử thành lập thủ đô:

  • Khoảng ít nhất 1000 năm trước, một làng chài nhỏ có đông người dân sinh sống xung quanh ngôi chùa Shwedagon được người Mon thành lập và đặt tên làng là Dagon.
  • Năm 1755, Vua Alaungpaya đổi tên làng Dagon thành Yangon.
  • Năm 1948, Myanmar tuyên bố độc lập sau hai cuộc chiến tranh Anh – Miến Điện kéo dài từ 1824. Thủ đô chính thức của đất nước được chọn là Yangon.
  • Tới năm 2006, Chính phủ nước này tổ chức lễ diễu binh vào ngày kỷ niệm Lực lượng vũ trang và giới thiệu với toàn thể thế giới thủ đô mới là Naypyidaw.
  • Hiện nay, các đơn vị hành chính, chính quyền quản lý cũng được chuyển từ Yangon đến Naypyidaw. Tổ hợp khu dân cư, khu quân đội, trụ sở của Bộ và chính phủ Myanmar, khu ngoại giao, khu khách sạn, trung tâm mua sắm, giải trí, chợ,… đã được xây dựng và dần hoàn thiện, đi vào hoạt động.

Ngoài thủ đô Naypyidaw, các thành phố lớn khác của Myanmar hiện nay là: Mandalay, Bago, Yangon, Mawlamyine, Taunggyi, Myitkyina, Pathein, Sittwe, Magway, Sagaing, Dawei, Hakha.

thủ đô naypyidaw myanmar
Thủ đô Naypyidaw.

Sân bay nội địa và quốc tế

Myanmar có 3 sân bay quốc tế chịu trách nhiệm vận hành các chuyến bay nội địa và quốc tế là:

  1. Yangon – mã sân bay là RGN.
  2. Mandalay – mã sân bay là MDL.
  3. Nay Pyi Taw – mã sân bay là NYT.

Nếu có kế hoạch đến Myanmar từ Việt Nam thì bạn nên lựa chọn hạ cánh ở một trong các sân bay quốc tế nói trên. Trong đó tần suất các chuyến bay quốc tế đến Yangon thường chiếm đa số.

Myanmar có tổng cộng 30 sân bay nội địa, trong đó hoạt động tích cực nhất là: Heho, Bhamo.

sân bay yangon nước myanmar

Triển vọng phát triển kinh tế

Nửa đầu năm 2023, kinh tế Myanmar đã bắt đầu đi vào ổn định. Sản lượng sản xuất và đơn đặt hàng của các công ty hoạt động trong lĩnh vực đời sống, công nghiệp, nông nghiệp tăng lên. Các công ty tìm nguồn cung ứng hàng hóa trong lĩnh vực bán lẻ có hiệu suất cải thiện và tăng nhanh hơn.

Tuy nhiên việc tăng chi phí và thay đổi trong chính sách với các quy định hạn chế hoạt động gây ra thách thức thâm hụt thương mại, áp lực tiền lương giảm trung bình 15%, nhu cầu lao động thấp,… gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.

Trong vòng 1 đến 2 năm tới, Myanmar được dự đoán mức tăng trưởng kinh tế sẽ tăng lên trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ cung cầu, sẽ có nhiều người dân giàu có hơn. Myanmar cũng được kỳ vọng sẽ là thị trường thu hút đầu tư quốc tế, cởi mở và chào đón với các doanh nghiệp đến từ Việt Nam.

kinh tế myanmar sau đảo chính

Tôn giáo

Người Myanmar theo đạo Phật giáo (Budha) chiếm tỷ lệ 88% dân số nước này. Các đền thờ Nat (tín ngưỡng tôn giáo dân gian thờ tổ tiên các vùng, linh vật và các vị thần khác nhau giữa các làng) cũng rất phổ biến và có thể nhìn thấy khắp đất nước Myanmar.

Các dân tộc thiểu số theo các đạo khác với số liệu thống kê đến hiện tại gồm có:

  • 6.4% dân số thực hành Kito giáo.
  • 0.4% người Ấn Độ ở Myanmar vẫn giữ tín ngưỡng Ấn Độ giáo.
  • 4.2% người Myanmar gốc Hoa và Ấn Độ theo đạo Hồi giáo.
  • Và những người theo đạo khác như đạo Thiên Chúa,…

Hiến pháp Myanmar năm 2008 đưa ra quy định tự do tôn giáo nhưng hạn chế trong sự quản lý. Bên cạnh đó cũng công nhận tỷ lệ nhỏ hơn những người Myanmar không theo đạo nào.

người myanmar theo đạo tôn giáo gì

Nền văn hóa còn nguyên vẹn

Chưa quốc gia nào bạn thấy có nhiều dân tộc như ở nước Myanmar. Mỗi bộ tộc, bộ lạc lại có văn hóa và phong tục riêng.

Giá trị của nền văn hóa thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan chính là sự nguyên vẹn của kiến trúc Phật giáo từ hàng nghìn năm trước trải dài trên cả đất nước rộng lớn vẫn được người dân cẩn thận giữ gìn.

Văn hóa trong cộng đồng

  • Vào thứ bảy và chủ nhật, bạn sẽ thấy rất nhiều người dân cùng các thành viên gia đình đi thăm đền, chùa như một phần của cuộc sống. Tới nơi đây, mọi du khách đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tôn nghiêm, ăn mặc kín đáo, tháo giày dép và giữ vệ sinh sạch sẽ.
  • Hút xì gà và thuốc lá không bị cấm ở Myanmar mặc dù điều này mang tới nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe.
  • Những thành viên trong gia đình sống gắn kết, gần gũi là văn hóa đặc trưng của Myanmar. Không kém gì phụ nữ trong nhà, những nam giới chia sẻ các công việc đồng áng, đảm nhiệm các việc nặng, nấu nướng, chăm sóc con cái. Xã hội có quan điểm tiến bộ về tự do và bình đẳng giới.
  • Thanaka – hỗn hợp bôi lên da làm mát da, chống nắng có màu kem là mỹ phẩm quan trọng đối với phụ nữ Myanmar và những chàng trai.
  • Người Kayan, nhóm dân tộc với những phụ nữ cổ dài nổi tiếng khắp thế giới về truyền thống đeo khuyên cổ bằng đồng từ 700 năm trước sau công nguyên, còn được gọi là Karenni.
  • Về âm nhạc truyền thống, người Myanmar sử dụng các nhạc cụ dân tộc gồm có Kyey, nhạc cụ gõ Let Khoke, Clappers và Patala, Kyo, Ley, Thaye. Người dân nước này yêu thích đa dạng các loại âm nhạc gồm truyền thống, trữ tình, nhạc trẻ hiện đại, thính phòng, nhạc tôn giáo, các bài thuyết pháp, giảng đạo.
  • Uống rượu và bia được cho phép.
văn hóa myanmar kem bôi da

Myanmar dùng hệ thống đo lường Anh

Myanmar là 1 trong 3 quốc gia không sử dụng hệ thống đo lường mét quốc tế, mà sử dụng hệ thống đo lường của Anh (Inch).

Trang phục

Đến đất nước Myanmar, bạn sẽ bắt gặp ngay từ sân bay những người đàn ông và phụ nữ nước này mặc trang phục truyền thống Longyi khá thú vị.

Những dịp trang trọng, đàn ông mặc thêm một loại áo dài khác. Còn thông thường, họ sẽ mặc Longyi cùng với áo sơ mi kẻ caro. Phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn đó là mặc cùng với các loại áo sơ mi có kiểu dáng, màu sắc khác nhau.

Hầu hết người dân Myanmar sử dụng Longyi trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Khách du lịch được ăn mặc thoải mái nhưng khuyến khích nên mặc kín đáo.

trang phục của người myanmar
Trang phục đám cưới truyền thống của Myanmar

Ăn uống, ẩm thực

Món ăn phổ biến hàng ngày trong mọi gia đình Myanmar là cơm trắng kèm với các món ăn được chế biến từ cá, thịt, trứng các loại rau xào, luộc hoặc muối chua, nước mắm, cà ri.

  • Các món ăn truyền thống Myanmar đến từ nhiều vùng miền khác nhau và các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên bữa ăn sáng truyền thống vẫn là cơm hoặc súp, bữa trưa và bữa tối là mì, cơm hoặc cari, đồ ăn nhẹ.
  • Mohinga là món ăn nhẹ nổi tiếng nhất của người dân Myanmar. Ngoài ra còn có Gỏi lá trà, Bún Shan, Si Htamin (Xôi nếp vàng), Tempura, Salad mì, bánh chuối nướng,…
  • Các loại bánh truyền thống được người dân ưa chuộng là: bánh chuối nướng, bánh thạch Kyauk Kyaw, Mont Lone Yay Paw, Sanwin Makin, Mote Lone Yay Paw, thạch tráng miệng Kyauk Chaw,…
  • Ở trên đường phố và thị trấn của Myanmar dễ dàng bắt gặp màu đỏ của hạt acrena kết hợp với lá trầu không. Người dân thường nhai trầu suốt cả ngày.

Người Myanmar dùng tay phải để ăn. Đũa, dao, nĩa ít sử dụng tại nhà nhưng được phục vụ cho khách trong nhà hàng, khách sạn.

  • Đồ uống thông dụng là trà xanh nhạt, nước trắng, cafe. Người Myanmar ít uống rượu nhưng hay uống bia phổ biến tại địa phương như là Myanmar Beer, Dragon, Bia ABC và các loại bia nhập khẩu khác.
  • Nước trái cây và nước giải khát đang dần phổ biến.
  • Kem, nước đá dễ mua được ở thành phố nhưng hiếm ở các vùng nông thôn.

Khách du lịch có thể dễ dàng thưởng thức món ăn truyền thống Myanmar tại các nhà hàng hoặc quán ăn địa phương.

món ăn truyền thống myanmar

Ngôn ngữ sử dụng

Tiếng Myanmar là ngôn ngữ chính của quốc gia này, đây cũng là tiếng mẹ đẻ của người Bamar. Nó còn tên gọi khác là ngôn ngữ Kinh (Burmese). Tuy nhiên vì là quốc gia đa sắc tộc, nên ngoài ngôn ngữ chính ở đây thì người Myanmar còn nói tiếng dân tộc thiểu số của các bộ tộc khác như: Ngôn ngữ Shan, Rakhine, Karen, Chin,…

Tiền tệ đang lưu hành

Đồng Kyat là tiền tệ quốc gia Myanmar, được sử dụng chính thức từ 01/07/1952.

  • Viết tắt của đồng Kyat: K, tên quốc tế là MMK.
  • Đồng Kyat được lưu hành dưới dạng: Tiền giấy và tiền xu.
  • Các mệnh giá tiền giấy lưu hành: 5 Kyat, 10 Kyat, 20 Kyat, 50 Kyat, 100 Kyat, 200 Kyat, 500 Kyat, 1000 Kyat, 5000 Kyat và 10000 Kyat.
  • Tiền xu Myanmar gồm có: 1 Kyat, 5 Kyat, 10 Kyat, 50 Kyat, 100 Kyat và 10 pyas, 50 pyas.

Bạn có thể đổi tiền Kyat tại sân bay quốc tế, ngân hàng hoặc khách sạn lớn ở Myanmar. Khi đổi bạn cần mang theo giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, visa Myanmar.

Người Myanmar dùng tiền Kyat là chính nhưng bạn vẫn có thể sử dụng tiền Đô la Mỹ (USD) để thanh toán nhưng với điều kiện tiền đô la phải phẳng, mới, không rách, quăn góc hay nhàu nát.

tiền myanmar kyat

Thời tiết đặc trưng và mùa du lịch

Myanmar có khí hậu mùa hè khô nóng trong các tháng 2, 3 , 4, 5; mùa mưa thường bắt đầu từ khoảng giữa tháng 5 và các tháng 6, 7, 8, 9, đến cuối tháng 10 và mùa đông có gió đông bắc khô mát bắt đầu từ đầu tháng 11 kéo đến khoảng giữa tháng 2.

Các tháng mùa đông mát mẻ và mùa hè là thời điểm có ít những cơn mưa lớn dài ngày, thuận lợi cho các chuyến du lịch, kỳ nghỉ lễ.

Nhiệt độ trung bình cao nhất khoảng 34 độ C nhưng có năm lên tới 40 độ C do biến đổi khí hậu, nhiệt độ thấp nhất khoảng 20 độ C trong các tháng mùa đông.

Nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới

Người Myanmar phần lớn tôn kính Phật Giáo, do đó khi đặt chân đến nước Myanmar, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những ngôi chùa nổi tiếng tráng lệ ở đây như chùa Vàng Shwedagon (ở Yangon) và cổ kính như Botataung, Sule, cùng hàng ngàn ngôi chùa từ thế kỷ 11, 13 được Vương quốc Bagan xây dựng.

Một địa điểm hành hương phật giáo của người dân Myanmar, nơi có tượng đức Phật được tôn kính nhất trên khắp đất nước là Chùa Mahamuni ở Mandalay.

Lừng danh khắp thế giới là Golden Rock, ngôi chùa nhỏ đứng vững trãi trên một hòn đá bên sườn núi chỉ trực rơi xuống đã hàng ngàn năm, thách thức trọng lực và thời gian.

du lịch chùa vàng golden rock myanmar

Ngoài ra bạn cũng có các lựa chọn du lịch khác

  • Hồ Inle: mang vẻ đẹp huyền bí và siêu thực không khác gì chốn thần tiên trong truyền thuyết.
  • Cung điện Mandalay: chứa những di vật có giá trị như tháp đồng hồ, tháp răng xá lợi, Hoàng lăng, cung điện thủy tin, tòa án tối cao,…
  • Quần đảo Mergui.
  • Chùa Kyaikhtiyo.
  • Tu viện Taung Kalat.
  • Bãi biển Ngapali, Bãi biển Ngwe Saung, Bãi biển Chaung Thar, Bãi biển Kanthaya.
  • Đi khinh khí cầu ở cố đô Bagan.

Bên cạnh các điểm du lịch thường có nhiều quầy hàng bán các đồ thủ công mỹ nghệ do người dân Myanmar chế tác rất tinh xảo, đẹp mắt. Bên cạnh đó, đồ trang sức và đá quý chất lượng cao là yếu tố thu hút khách du lịch quốc tế tới thăm đất nước này.

Bạn có thể tham khảo các tour du lịch Myanmar thú vị của chúng tôi ở mục Du lịch để có chuyến đi được tổ chức chuyên nghiệp và an toàn, khám phá được hết các điểm du lịch nổi tiếng của Myanmar, thưởng thức ấm thực và được giao lưu văn hóa với người dân địa phương.